Hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với tương lai của con cái, nhiều bậc phụ huynh sẵn lòng đầu tư, tạo mọi điều kiện để con được học tiếng Anh. Xu hướng vài năm trở lại đây cho thấy độ tuổi bắt đầu học tiếng Anh của trẻ ngày càng sớm.
Có rất nhiều quan điểm cho rằng không nên ép trẻ học tiếng Anh quá sớm, trong khi đó không ít gia đình cho con tiếp xúc môn học này từ nhỏ (thậm chí rất nhiều gia đình để trẻ tiếp xúc với tiếng Anh trước và nhiều hơn tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ) vì trẻ bộc lộ khả năng học ngoại ngữ khá sớm.
Dưới đây là những lý do không cho trẻ học tiếng Anh quá sớm
1. Tiếng Việt là ngôn ngữ nền tảng, là hệ quy chiếu khi các em học tiếng Anh hay ngôn ngữ thứ hai
2. Những gì các em học được ở ngôn ngữ đầu tiên (tiếng Việt) sẽ là kiến thức nền tuyệt vời khi học ngôn nhữ thứ 2, cụ thể ở đây là tiếng Anh cũng như những kiến thức học thuật khác của tiếng Anh. Có rất nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định việc kiến thức ở tiếng Việt sẽ chuyển đổi và ảnh hưởng tích cực đến việc tiếp nhận và học tiếng Anh. Tức là học tiếng Việt và kiến thức bằng tiếng Việt giỏi thì việc học tiếng Anh và tiếp thu những kiến thức bằng tiếng Anh cũng dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều.
Trước đây có một trào lưu coi thường tiếng mẹ đẻ, coi việc biết, học tiếng Việt là cản trở đối với việc học và tiếp nhận tiếng Anh. Nhưng trào lưu này đã lỗi thời, kết thúc từ lâu vì bị coi là sai lầm, bị phản bác với nhiều nghiên cứu khoa học.
Theo ý kiến của chuyên viên tâm lý Lê Khanh (Giám đốc công ty giáo dục KidsTime Bình Thạnh) về việc cho con học tiếng Anh sớm hoặc tiếp xúc tiếng Anh trước tiếng Việt.
"Trong thời gian gần đây, cứ 10 bé đến tư vấn văn phòng của tôi thì có đến 7 bé có vấn đề về giao tiếp và ngôn ngữ nói. Ngoại trừ các trường hợp chậm nói do chứng tự kỷ (ASD), tăng động kém chú ý (ADHD) và chậm khôn thì hầu hết là các trường hợp nói ít, vốn từ nghèo, nói linh tinh không biết là tiếng gì luôn, lại không biết đặt câu hỏi, không nói chủ động của các trẻ từ 3 - 5 tuổi đều có dính dáng ít nhiều đến tiếng Anh", ông Lê Khanh nêu ví dụ.
Vị chuyên gia tâm lý phân tích: Trên thực tế, vài năm nay, việc cho con "học", "làm quen" hay "nghe nhạc - xem phim hoạt hình" để nhận biết tiếng Anh sớm trong lứa tuổi mẫu giáo được xem là chuyện đương nhiên. Với những thông tin về giai đoạn phát triển vàng của trẻ từ 0 - 3 tuổi lại càng củng cố niềm tin của các ông bố, bà mẹ là phải cho con học - làm quen - chơi với tiếng Anh (ngôn ngữ thứ hai) càng sớm càng hay, càng nhiều càng tốt.
Vậy đâu là độ tuổi thích hợp để cho trẻ học tiếng Anh? Tham khảo bài viết: "Độ Tuổi Nào Là Phù Hợp Để Trẻ Bắt Đầu Học Tiếng Anh?" để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Cùng với điều này là sự phát triển "không gì cản nổi" của các trường quốc tế, trường mẫu giáo chất lượng cao… thì việc học tiếng Anh được xem là điều cần thiết phải có, thông qua các nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng. Vấn đề này vẫn còn nhiều điều phải phân tích.
"Kết quả là ngoại trừ một số trẻ có trí tuệ tốt hay bình thường nhưng đã có một vốn từ vựng tiếng Việt cơ bản ổn định, để có thể tiếp nhận các từ vựng tiếng Anh một cách thuần thục (đôi khi nói và nghe tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt ) và đúng bài bản thì còn lại một số trẻ trở nên "nửa nạc nửa mỡ" trong giao tiếp. Tiếng Anh thì biết dăm ba từ về màu sắc, con số, các con vật, tiếng Việt cũng chỉ nói được dăm ba câu ngăn ngắn không đầu không đuôi và bố mẹ lại phải lo lắng vì sợ trẻ bị tự kỷ", ông Lê Khanh nói.
Như vậy trước khi muốn đầu tư cho con học thêm, biết thêm một ngoại ngữ, trừ trường hợp chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính cho trẻ thì các bậc phụ huynh nên xem xét đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ đã ổn chưa, đặc biệt với lứa tuổi lên 3.
3. Đừng lo áp lực cạnh tranh hay sợ qua mất độ tuổi/giai đoạn vàng để học tiếng Anh
Theo các nghiên cứu khoa học thì lứa tuổi tốt nhất để cho trẻ tiếp cận với ngôn ngữ thứ là 3 - 7 tuổi. Lúc này, trẻ đã có những kiến thức nền nhất định về tiếng Việt, nên việc cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh bằng các hình thức, hoạt động hoạt động vui chơi làm quen là điều vô cùng tốt.
Ngoài ra sự phát triển của trẻ là tùy theo năng lực, sự hứng thú và tính cách của mỗi đứa trẻ, có khác nhau chứ không phải tùy vào sự mong muốn, khả năng đầu tư của bố mẹ hay một hệ thống giáo dục cao cấp.
Vấn đề cho trẻ học tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung từ sớm là cần thiết. Tuy nhiên, học từ thời điểm nào, học như thế nào vẫn còn là câu chuyện nhiều tranh luận. Chúng tôi sẽ tiếp tục nêu các góc nhìn của nhiều chuyên gia tâm lý, giáo dục tới quý độc giả.
Theo Đời sống & Pháp luật