Cách mạng hóa chỉ dùng tiếng Anh trong công ty Nhật Bản
Năm 2010, CEO Hiroshi Mikitani đưa ra tuyên bố rằng trước 2012, tất cả các nhân viên buộc phải thành thạo khả năng sử dụng tiếng Anh hoặc chấp nhận bị sa thải. Từ đây, một công ty có trụ sở tại Nhật Bản với những nhân viên bản địa bắt đầu sử dụng tiếng Anh trong các cuộc họp nội bộ hay chương trình đào tạo. Ngoại ngữ này cũng phủ sóng đến các biển báo trong tòa nhà, thực đơn món ăn hay email trao đổi công việc.
Là công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật Bản, Rakuten mong muốn mở rộng quy mô bằng việc tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy nhiên, họ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ để có thể phát triển các dự án kinh doanh nước ngoài và hơn nữa, tuyển dụng nhân tài đến từ các quốc gia khác. Tiếng Anh là một lựa chọn hiển nhiên khi là ngôn ngữ quốc tế, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
\ CEO - tỷ phú Hiroshi Mikitani từng học Trường Kinh doanh Havard, có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo và là người đưa ra quyết định "English-ization" đầy táo bạo.
Quyết định tiếng Anh hóa "English-ization" này gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Các phương tiện truyền thông, tài khoản mạng xã hội lẫn nhiều học giả đều chỉ trích nặng nề ý tưởng này, hoài nghi về việc tiếng Nhật liệu có thực sự là rào cản trong mục tiêu toàn cầu của các công ty. Thậm chí, Tổng giám đốc điều hành của Honda còn gọi đây là chính sách "ngốc nghếch". Những người theo chủ nghĩa dân tộc còn cho rằng hành động này khiến tiếng Nhật có thể bị xóa sổ, làm tổn thương đến văn hóa quốc gia.
Tuy nhiên, CEO Hiroshi Mikitani - người nuôi tham vọng xây dựng Rakuten cạnh tranh lại Amazon, Alibaba chia sẻ về kế hoạch tiếng Anh hóa: "Chúng ta sẽ phải làm điều đó dù thích hay không". Bởi trên thực tế, nhiều công ty đa quốc gia khác của Nhật cũng đã sử dụng tiếng Anh rộng rãi, chẳng hạn như Sony, Nissan. Công ty Fast Retailing chuyên bán lẻ cho Uniqlo với chuỗi cửa hàng tại nhiều thành phố như New York, London, Paris, Bắc Kinh cũng lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp bằng tiếng Anh nếu có người nước ngoài. Rakuten cũng không nằm ngoài xu hướng này, nhưng thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt hơn. "Nhật Bản là quốc gia có học vấn cao duy nhất có người dân không thể nói tiếng Anh. Đây là một vấn đề lớn mà nước ta phải giải quyết", ông thẳng thắn cho biết.
Công ty này đưa ra một danh sách 5.000 từ vựng bất kỳ nhân viên nào cũng phải học thuộc. Những người ở vị trí quản lý nếu không đáp ứng điều kiện thành thạo tiếng Anh sẽ bị sa thải, trong khi những người đạt điều kiện sẽ được thăng chức. Hideki Kamachi, một nhân viên tại Rakuten đang cố gắng học từ vựng để chuẩn bị cho một cuộc họp cho biết "Ban đầu, tôi cảm thấy có chút bỡ ngỡ và cảm thấy buồn mỗi khi không nắm bắt được mọi thứ. Nhưng mỗi tuần trôi qua, tôi hiểu tiếng Anh nhiều hơn".
Với cuộc cách mạng táo bạo này, tính đến tháng 4/2015, điểm TOEIC trung bình của toàn bộ nhân viên của công ty thương mại điện tử này đạt 802,6/990 - tăng hơn 276 điểm so với năm 2010 và cho thấy toàn bộ nhân viên ở đây đều thông thạo tiếng Anh (trên mức 800). Trong những năm qua, đại gia ngành thương mại điện tử Nhật Bản cũng đã cho thấy những bước tiến quốc tế đáng kể khi bỏ ra 900 triệu USD mua lại ứng dụng nhắn tin; mua lại website Ebates của Mỹ với giá một tỷ USD, bỏ ra 300 triệu USD để mua 11,9% cổ phẩn của dịch vụ đi nhờ xe Lyft, Mỹ và mua OverDrive - hãng công nghệ chuyên cung cấp sách điện tử, sách nói, phim trực tuyến với giá 410 triệu USD.